Phong độ mẫu nghi Tào_hoàng_hậu_(Tống_Nhân_Tông)

Ninh Thọ cung biến

Năm Khánh Lịch thứ 8 (1048), tháng giêng, xảy ra Ninh Thọ cung sự biến (坤寧宮事變). Khi ấy Tống Nhân Tông đang chuẩn bị bày biện hoa đăng, gặp binh lính vệ từ đâu đến xông vào tẩm cung. Tào hậu đương phụng dưỡng Hoàng đế, nghe nói biến loạn, lập tức khuyên can Hoàng đế lánh đi. Sau, Tào hậu mệnh Đô tri Vương Thủ Trung (王守忠) mang binh vào cung bình loạn. Mãi sau, loạn binh đánh ụp trước cửa điện, chém giết Thái giám và cưỡng đoạt Cung nữ, Nhân Tông toan muốn ụp ra trước điện mấy lần, đều do Tào hậu cản lại. Loạn binh vây khốn suốt cả một đêm. Hễ khi Thái giám thụ lệnh ra điện truyền đạt thông tin, Tào hậu đều tự tay cắt một đoạn tóc của họ, nói:"Ngày mai luận công hành thưởng, hãy lấy tóc làm chứng!". Bởi vậy, mọi người đều tranh tiên xuất lực, loạn binh thực mau bị tiêu diệt[5].

Nhưng sự hi sinh và bản lĩnh của Tào hậu không được Nhân Tông tưởng thưởng. Khi ấy, Trương Mỹ nhân cũng vừa kịp đến cứu giá, lại lấy thân mình bảo vệ Hoàng đế khiến Nhân Tông cảm động. Sang ngày hôm sau, Nhân Tông ngự điện, đặc biệt khen thưởng Trương thị, đại thần là Hạ Tủng (夏竦) kiến nghị nên trọng thể thưởng cho Trương thị, nhưng Trương Phương Bình (张方平) bất đồng ý kiến, bèn nói lại với Trần Chấp Trung (陳執中) rằng:"Ngày xưa, Phùng Tiệp dư chắn gấu, cũng chưa từng nghe đặc thù khen thưởng. Hơn nữa đã có Hoàng hậu lại tôn sùng Quý phi, xưa nay không có đạo lý này. Nay ông tâu xin trọng thưởng Quý phi, tất thiên hạ sẽ dồn vào ông mà chỉ trích!". Trần Chấp Trung sợ hãi mà không tấu hùa theo. Tháng 10 năm ấy, Trương thị được Nhân Tông thăng vị làm Quý phi[6].

Về sau, Gián quan Vương Chí (王贄) là phe của Hạ Tủng hư hư thực thực sâng sớ, ngầm nói Tào hậu là chủ mưu thực sự của cung biến đêm ấy. Tuy nhiên, Ngự sử đài nhanh chóng dâng sớ phản bác, cho rằng việc này phát triển quái dị, đủ loại dấu hiệu biểu hiện có người muốn đem việc này dẫn đường ám hại Hoàng hậu, hòng câu kết đem lập Trương thị làm Hoàng hậu. Mặc dù sủng ái Trương thị, nhưng trước sự kiện này Nhân Tông cũng không đến mức u mê. Tào Hoàng hậu vì thế vẫn bảo toàn ngôi vị. Tuy vậy, trong lòng Nhân Tông vẫn có chút nghi kị với Tào hậu.

Khoảng năm Gia Hữu nguyên niên (1056), Nhân Tông bệnh nặng, thần trí không rõ, trong miệng thế nhưng hô to:"Hoàng hậu cùng Trương Mậu Tắc mưu việc đại nghịch!". Nội thị Trương Mậu Tắc (张茂则) vốn là Thái giám cũ trong cung, nghe Nhân Tông lẩm bẩm mà sợ tái xanh cả mặt, thiếu điều tự sát, may có người ngăn cản kịp thời. Tể tướng Văn Ngạn Bác (文彦博) khuyên:"Hoàng thượng có bệnh nên nói mê sảng thôi, ngươi hà tất phải làm ra cái bộ dạng này?! Ngươi mà chết, thì Hoàng hậu biết làm sao?". Trương Mậu Tắc nghe vậy, mặc dù rất sợ nhưng vẫn hầu hạ Nhân Tông như cũ. Riêng Tào hậu thì không thể tùy tiện ở trước mặt Nhân Tông thị phụng nữa[7].

Cẩn thận khoan dung

Tống Nhân Tông sủng ái Trương Quý phi, sau sự kiện Ninh Thọ cung. Trương thị thụ sủng, được không ít người trong cung nịnh bợ. Chứng kiến Trương Quý phi trở nên bá đạo, Tào hậu lại không hề mảy may so đo. Hằng ngày bà cùng phi tần trong cung điều phối quản lý lương thực, trồng dâu nuôi tằm mà không mấy khi tranh chấp với sủng phi Trương thị này. Chính vì vậy mà dù sủng ái Trương Quý phi, Nhân Tông vẫn tôn trọng Hoàng hậu.

Sau sự biến Ninh Thọ cung, một nội tỳ của Tào Hoàng hậu bị phát hiện tư thông với một lính vệ trong cơn binh loạn. Dù là người thân thiết, Tào hậu vẫn tuân thủ cung quy mà tiến hành xử tử. Cùng đường, vị nội tỳ đành chạy đến chỗ Trương Quý phi để cầu tình. Trương Quý phi nói lại với Nhân Tông nên Nhân Tông đặc biệt ân xá. Tào hậu biết được, mặc trang phục nghiêm chính đến tẩm điện của Nhân Tông, thỉnh cầu xử tội theo đúng quy chế đặt ra, còn nói:"Không như vậy, còn gì là luật pháp?!". Nhân Tông ban bà ngồi xuống, nhưng Tào hậu vẫn không ngồi, cứ đứng như vậy biểu thị chính kiến. Nhân Tông cuối cùng ban chết cho nội tỳ[8]. Thấy Tào hậu luôn nhịn mình, Trương Quý phi càng không kiêng dè. Việc Trương Quý phi thịnh sủng đã đến tai triều thần, nhiều người đã dâng tấu chỉ trích, nhưng Nhân Tông vẫn bao che, điều này khiến Trương Quý phi không nể nang, thậm chí xem thường Hoàng hậu ra mặt. Có lần, Trương Quý phi muốn dùng nghi thức Hoàng hậu xuất cung, Nhân Tông vì Trương thị mà đến cung Hoàng hậu, vời cho Quý phi mượn dùng. Tào hậu vẫn không oán thán, vui vẻ đáp ứng. Điều này khiến Nhân Tông cảm thấy Hoàng hậu quá khoan từ, còn Trương thị thì ỷ sủng sinh kiêu, làm mất thể thống, nên quay về mắng Trương thị:"Quốc gia đều có pháp độ, có trật tự. Khanh dùng nghi thức Hoàng hậu xuất du, là xem thường kỷ cương". Trương Quý phi đành phải khép nép vâng lời[9].

Bấy giờ, Tào hậu không con, Trương Quý phi tuy được sủng hạnh nhưng không sinh được Hoàng tử. Cả ba Hoàng tử là Triệu Phưởng (趙昉), Triệu Hân (趙昕) và Triệu Hi (趙曦) đều chết non, Tống Nhân Tông vô tự trở thành chuyện đại sự. Tào hậu đã thuyết phục Nhân Tông chọn con trai thứ ba của Bộc An Ý vương Triệu Duẫn Nhượng là Triệu Tông Thực làm người kế vị. Đế-Hậu cho đón Tông Thực vào cung, khi đó chỉ mới 4 tuổi[10].

Năm Gia Hữu thứ 7 (1062), tháng 8, Triệu Tông Thực đã 31 tuổi, được lập làm Hoàng thái tử, ban danh là Triệu Thự (趙曙).